Phát triển bền vững
Mục tiêu phát triển bền vững 16. Hòa bình, công lý và xây dựng các thể chế mạnh mẽ
Mục tiêu phát triển bền vững số 16 là một trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc đề ra. Nhằm thúc đẩy một xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh. SDG 16 sẽ giải quyết các mối đe dọa về chiến tranh, bạo lực và tạo điều kiện tiếp cận công lý cho tất cả mọi người, xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và bao trùm ở tất cả các cấp.
Mục tiêu phát triển bền vững 16 hướng đến hòa bình trên thế giới, sự công bằng của con người và sự quản lý chặt chẽ của pháp luật. Bởi vì “Bất cứ một cá nhân nào cũng có quyền sống trong môi trường không nguy hại cho sức khỏe hoặc hạnh phúc. Bảo vệ môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai thông qua các biện pháp lập pháp và các biện pháp thích hợp khác”- Theo Hiến pháp Cộng hòa Nam Phi năm 1996.
Các chỉ tiêu của SDG 16
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững 16, Liên Hợp Quốc đã đưa ra các chỉ tiêu quan trọng sau:
- Giảm đáng kể tất cả các hình thức bạo lực và tỷ lệ tử vong liên quan ở mọi nơi.
- Chấm dứt lạm dụng, bóc lột, buôn bán và mọi hình thức bạo lực chống lại và tra tấn trẻ em.
- Thúc đẩy sự quản lý của pháp luật ở cấp quốc gia và quốc tế và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng cho tất cả mọi người.
- Đến năm 2030, cung cấp danh tính pháp lý cho tất cả mọi người, bao gồm đăng ký khai sinh.
- Đảm bảo quyền truy cập công khai vào thông tin và bảo vệ các quyền tự do cơ bản, phù hợp với luật pháp quốc gia và các thỏa thuận quốc tế.
- Thúc đẩy và thực thi luật pháp và chính sách không phân biệt đối xử để phát triển bền vững.
Mục tiêu PTBV 16 và những con số biết nói
- Mỗi ngày, nước Mỹ ghi nhận trung bình khoảng 110 người thiệt mạng vì bạo lực súng đạn.
- Trên thế giới cứ 7 phút lại có một trẻ vị thành niên tử vong do bạo lực.
- Tại 30 quốc gia có dữ liệu, khoảng 6 trong 10 trẻ 1 tuổi thường xuyên bị kỷ luật bằng bạo lực.
- Trên phạm vi toàn thế giới, thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn nam giới tới 23%.
- Theo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu, do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) công bố hôm thứ Tư (28/6), số người chết vì xung đột tăng gần gấp đôi vào năm 2022 so với năm trước và chiến tranh đã gây tổn thất 13% GDP toàn cầu.
Hiện nay, các quốc gia đều đã quyết định đưa ra các luật để bảo quyền của con người, ngăn ngừa triệt để các cuộc bạo động, đề cao pháp luật. Song, có một thực tế đáng buồn là một số nơi trên thế giới vẫn còn diễn ra các cuộc chiến tranh, bạo động và trẻ em vẫn còn bị bạo lực, phụ nữ vẫn còn bị phân biệt đối xử.
Việt Nam chung tay giải quyết thách thức toàn cầu
Thúc đẩy pháp quyền, bảo đảm tiếp cận công lý và tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người luôn là mục tiêu hàng đầu mà Việt Nam hướng tới, nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Theo báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (VNR) năm 2023 cho thấy, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể được ghi nhận đối với SDG 16. Các tiến bộ tiêu biểu như: tỷ lệ người dân và tổ chức hài lòng với dịch vụ công tăng từ 80,9% lên 87,2% trong giai đoạn 2017 – 2021. Hay sự gia tăng về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính; Số vụ phạm pháp hình sự giảm; Tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh tăng dần theo độ tuổi và không có sự khác biệt giữa trẻ em trai và trẻ em gái, giữa khu vực thành thị và nông thôn hoặc giữa các vùng…
Theo United Nations Development Programme Vietnam, đến năm 2026, người dân ở Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, sẽ được hưởng lợi và đóng góp vào một xã hội công bằng, an toàn. Đồng thời, thể chế có tính phản hồi hơn, pháp quyền được tăng cường, bảo vệ và tôn trọng các quyền con người, bình đẳng giới và thoát khỏi mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Bày tỏ sự quyết tâm vững vàng và sự sẵn sàng hành động để đạt được mục tiêu phát triển bền vững 16 của Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh nước ta rằng: “Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại, củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại về các tranh chấp trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam sẽ luôn là người bạn chân thành, thủy chung, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Ngọc Trân tổng hợp