Trách nhiệm xã hội và Phục vụ cộng đồng
Sinh viên OU làm bạn cùng sách
“Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại khi đã trưởng thành, và một nửa lúc tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng. (Robertson Davies)”.
Tầm quan trọng của sách mang đến
Từ xa xưa, ông cha ta đã rất đề cao vai trò của sách, xem sách là gia tài đáng giá nhất để lại cho thế hệ mai sau: “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con”, hay “Một kho vàng không bằng một nang sách”. Sách là “món ăn” tinh thần, gột rửa những căng thẳng, xua tan nỗi niềm, phát triển tư duy người đọc. Sách giúp chúng ta “tu tính dưỡng tâm”, mở mang kiến thức và truyền tải năng lượng tích cực từ những kinh nghiệm mà người đi trước để lại. Đôi khi ta không thể có được câu trả lời như mong muốn khi hỏi trực tiếp ai đó thì ở sách có thể giải đáp giúp bạn, tuy nhiên điều này đòi hỏi bạn phải siêng đọc và có thời gian. Trên tất thảy, Sách chính là người thầy vĩ đại, có tác dụng lớn đối với việc giáo dục nhân cách con người. Mỗi cuốn sách đều thể hiện giá trị nhân văn cao cả, dạy cho chúng ta biết sống, biết yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh.
Sách được ví như “người bạn” của sinh viên
- Tần suất đọc sách của bạn như thế nào?
Trần Thị Hồng Thy – sinh viên năm 2, trường Đại học Mở TpHCM chia sẻ rằng: “Trước đây mình rất thường hay đọc sách. Chủ yếu là các loại sách dạy về kỹ năng như nấu ăn, phòng vệ, giao tiếp… và sách về tâm lý, đạo đức xã hội.
Gần đây mình ít đọc sách hơn một chút vì không có nhiều thời gian như thời học sinh, nội dung sách đọc cũng khá. Tập trung về học kiến thức nhiều hơn như mình có đang học tiếng Hoa qua sách và một số sách phục vụ cho chuyên ngành học của mình.
Tần suất đọc sách của mình khá chậm, vì mình hay thích đọc và ngẫm nghĩ về nó nhiều. Đặc biệt là những nội dung yêu cầu phải ghi nhớ cao.”
- Bạn “được” sách gửi gắm những giá trị gì?
Mình nghĩ nếu một người thường xuyên đọc sách sẽ có một cách nhìn khoa học và hành xử mọi việc một cách có tư duy. Đọc sách để mở rộng tầm nhìn. Nếu bạn không đọc sách thì như thể bạn đang tự dùng tay mình che đi đôi mắt có thể nhìn ra trông rộng, mọi việc chỉ được giải quyết một cách hạn hẹp khi vốn hiểu biết của bạn. Giới trẻ thường có câu “Khi ngôn từ bất lực thì bạo lực lên ngôi”, câu nói tuy đùa vui nhưng lại có liên quan đến việc đọc sách. Bạn không có kiến thức, bạn không thể tranh giành quyền lợi của mình bằng ngôn từ thì bạn sẽ chuyển sang hướng tiêu cực. Nhưng thử nghĩ đến trường hợp bạn là người am hiểu đời nhờ sách xem. Có phải bạn sẽ thuyết phục và giải quyết mọi việc bằng ngôn từ một cách dễ dàng không? – Trần Võ Xuân Nhi, khoa Công Nghệ Thông Tin, trường Đại học Mở TpHCM cho biết.
Bí quyết “Làm bạn” với sách hiệu quả
Dù bạn là ai, hãy hình thành thói quen đọc sách, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu mà sách mang lại, không ngay bây giờ nhưng con chữ sẽ thấm dần trong con người bạn.
Có thể mỗi ngày dành ít nhất 10 – 30 phút để đọc sách, đọc bao nhiêu trang cũng được, miễn là có đọc.
Hay mỗi ngày đọc ít nhất 3 trang, trong bao lâu cũng được, nhớ là hôm đó có đọc.
Sách giấy hay sách điện tử cũng được, miễn sao bản thân đồng ý kết bạn với sách.
Cảm giác được “ngửi” mùi sách mới, cảm nhận trang giấy mới cũng là điều rất tuyệt. Còn sách điện tử thì cũng có cái hay, gõ vài từ là có ngay cuốn sách để đọc, có khi lại không tốn phí, không tốn giấy, tốn mực, cũng là cách bảo vệ cho môi trường.
Sách là vô giá, đôi khi là miễn phí để chúng ta tìm hiểu, vậy điều gì can ngăn tâm trí bạn lại mà không chạy đến và cầm lấy chìa khóa “Sách” để mở cửa tri thức của bản thân.
Cát Hảo.