Tin Tức
Chuyên đề “Những điểm mới của bộ luật tố tụng hình sự 2015”
Tiếp nối thành công của các buổi seminar báo cáo chuyên đề được tổ chức trước đó, sáng ngày 25.08.2016, tại phòng 307 cơ sở 371 Nguyễn Kiệm, Khoa Luật tiếp tục tổ chức buổi báo cáo về chuyên đề: “Những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”
Báo cáo viên đồng hành cùng buổi seminar là PGS. TS Nguyễn Thái Phúc, Nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh – cũng chính là người đã trình bày chuyên đề: “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự 2015” diễn ra ngày 23.08.2016.
Nhằm để khắc phục được những hạn chế tồn tại của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để Bộ luật này thực sự trở thành công cụ pháp lý sắc bén đấu tranh hiệu quả với tội phạm, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định tại Hiến pháp chính là lý do của việc sửa chữa, bổ sung BLTTHS mà thầy Phúc đề cập.
BLTTHS 2015 bao gồm 510 điều, chia thành 9 phần, 36 chương. So với BLTTHS 2003 thì tăng 154 điều. Trong đó, bổ sung 176 điều mới, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, và bãi bỏ 26 điều. Có khá nhiều những điểm mới đáng kể của Bộ luật mới. Trước hết là việc bổ sung thêm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử thành một nguyên tắc cơ bản của hoạt động tố tung, giữ vai trò định hướng và chi phối hoạt động tố tụng của các chủ thể. Nguyên tắc này đảm bảo được sự bình đẳng của các chủ thể. Thêm nữa, là việc mở rộng, bổ sung các đối tượng của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đồng thời, quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ của các chủ thể nói trên cũng được tăng cường đầy đủ hơn, đặc biệt là quyền bào chữa
Bộ luật mới có sự phân định rất rõ ràng, chính xác các giai đoạn tố tụng, chia cụ thể thành 5 giai đoạn: Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Truy tố được tách thành một phần độc lập so với trước kia, nhấn mạnh được tầm quan trọng của giai đoạn này. Bố cục xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm được điều chỉnh chung một phần, tạo điều kiện để bỏ bớt những quy định trùng lặp ở cả hai giai đoạn như Bộ Luật năm 2003
Tính chất nhân đạo của Bộ Luật mới có thể được đánh giá là đậm nét khi giảm số lượng điều luật không áp dụng hình phạt tử hình. Ngoài ra, pháp nhân thương mại – một trong những thành phần tham gia nhiều nhất vào các hoạt động kinh tế, xã hội – cũng được pháp luật điều chỉnh rõ ràng hơn. Trách nhiệm hình sự được xác định trong 31 tội phạm thuần tuý là các loại tội trong lĩnh vực kinh tế và môi trường mà pháp nhân thương mại phải chịu.
Buổi báo cáo chỉ diễn ra trong vòng hai giờ đồng hồ, nhưng PGS. TS Nguyễn Thái Phúc đã truyền tải được rất nhiều những kiến thức bổ ích tới với các bạn sinh viên tham gia. Những điểm mới của BLTTHS 2015 thực sự thể hiện được sự phát triển và tiến bộ của các nhà làm luật trong công tác xây dựng một văn bản pháp luật ngày càng thiết thực với đời sống xã hội, đề cao quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp thể hiện.
(Thực hiện: Uyên)