Hoạt động Sinh viên
Chương trình trực tuyến “Hành trình khởi nghiệp” với chủ đề “Tư duy khởi nghiệp”
Hiện nay, một số bạn trẻ có xu hướng sẵn sàng lăn xả vào làm mọi việc với suy nghĩ người khởi nghiệp phải đóng nhiều vai: giám đốc, kế toán, bán hàng, tiếp thị, giao nhận… Và các doanh nghiệp đua nhau nở rộ dựa trên tâm thế làm tất cả mọi việc của các nhà khởi nghiệp. Kết quả là trên 90% số bạn khởi nghiệp thất bại, phá sản, dù đã làm việc cật lực trong mọi vai trò. Vậy muốn khởi nghiệp thành công thì chúng ta cần bắt đầu từ đâu và như thế nào? Đó là nội dung của buổi livestream chia sẻ kiến thức “Tư duy khởi nghiệp” trên Fanpage Công tác sinh viên – Trường ĐH Mở Tp.HCM vào ngày 12 tháng 5 vừa qua.
Khách mời tham dự Chương trình là PGS. TS Nguyễn Ngọc Dũng – Giảng viên Chương trình Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP); ThS. Nguyễn Thị Diệu Linh – Phó trưởng phòng Công tác sinh viên; và Bạn Trần Thị Hảo – Cựu sinh viên Khoa Đào tạo đặc biệt – Giải Khuyến khích Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp cấp Bộ năm 2020.
“Hành trình khởi nghiệp là quá trình sàng lọc dài, đòi hỏi sinh viên khởi nghiệp cần trang bị một lối tư duy đúng trên hành trình này. Khởi nghiệp không giống với lập nghiệp, không phải chỉ để kiếm thu nhập mà còn phải tạo ra giá trị cho con người” – ThS Diệu Linh chia sẻ.
Đơn cử là dự án khởi nghiệp của sinh viên Trần Thị Hảo và Trương Huỳnh Quảng Khánh (sinh viên khoa Đào tạo Đặc biệt, trường ĐH Mở TP.HCM) sau hơn hai năm trăn trở với mong muốn tìm đầu ra cho trái bơ của người dân tỉnh Gia Lai đã thôi thúc Hảo và Khánh cần phải làm gì đó để “giải cứu trái bơ” và giúp quê hương tiêu thụ được nhiều bơ hơn nữa. Với những giá trị nhân văn đã tạo nguồn cảm hứng cho dự án từ khâu lên ý tưởng đến khâu hiện thực hoá ý tưởng, cùng sự tư vấn của các Thầy, Cô, dự án giành giải Nhất cuộc thi “Sinh viên OU cùng sáng tạo và khởi nghiệp” do trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức, và lọt vào Vòng Chung kết cuộc thi “HS-SV với ý tưởng Khởi nghiệp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Tại chương trình Chị Hảo chia sẻ: “Khởi nghiệp là cả một quá trình, và khi đang còn là một sinh viên thì bạn nên tham gia tích cực các hoạt động Đoàn – Hội, Đội – Nhóm trong trường, cũng như tham dự các cuộc thi như là Nghiên cứu khoa học cấp Khoa, cấp Trường; Như vậy, sẽ giúp cho bạn có nền tảng nhất định về kiến thức cũng như là các trải nghiệm bổ sung cho những năng lực còn thiếu của bản thân. Từ đó, bạn sẽ vững bước hơn trong con đường khởi nghiệp của mình”.
Giải đáp cho câu hỏi của sinh viên tham dự buổi toạ đàm “Không có kinh nghiệm đi làm thực tế, chỉ có kinh nghiệm khởi nghiệp thông qua sách vở, thì em có nên khởi nghiệp không?, PGS. TS Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh: hãy luôn mang trong mình tâm thế chủ động trau dồi, học hỏi và kiên nhẫn theo đuổi đam mê, đó cũng là điều cơ bản nhất của “Tư duy khởi nghiệp”.
Cô đọng lại sau gần 2 giờ chia sẻ kiến thức khởi nghiệp, lời khuyên giá trị của các vị khách mời dành cho các sinh viên trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, là : “những suy nghĩ cần có trong tư duy khởi nghiệp đó là nghĩ lớn và làm từ những việc nhỏ, hiểu rõ và giải thích được ý tưởng một cách đơn giản nhất, cuối cùng là nhận biết được rằng hãy giải quyết những vấn đề theo cách sáng tạo của riêng bản thân”. Tin rằng, các sinh viên đã được các vị khách mời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, giúp các em hình thành tư duy khởi nghiệp đúng đắn, nhận thức dám nghĩ, dám làm và có khát vọng để biến ước mơ, ý tưởng thành hiên thực./.
Minh Khánh